Tận dụng cơ hội để phát triển ngành lương thực, thực phẩm

 

Ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả quan trọng với tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm qua là 8,4% một năm. Tuy nhiên, ngành cũng đang đối mặt với những thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp, cũng như các ban, ngành cần cải thiện để ngành nâng cao sức cạnh tranh, khai thác hết tiềm năng sẵn có.
 
Ngành chế biến lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng hơn 26% trong bốn ngành công nghiệp trọng yếu và chiếm 17,67% trong toàn ngành công nghiệp của thành phố. Điều này cho thấy, ngành giữ được tỷ trọng khá cao trong bốn ngành công nghiệp trọng yếu, đồng thời là thế mạnh của thành phố với nhiều thương hiệu lớn, có uy tín, thị trường ổn định và có khả năng cạnh tranh cao so với các doanh nghiệp (DN) các địa phương khác, cũng như các DN nước ngoài. Hiện, thành phố có 5.515 cơ sở sản xuất trong ngành chế biến lương thực, thực phẩm, trong đó có 2.422 DN. Trong đó, nhiều DN sản xuất, kinh doanh ngành lương thực, thực phẩm tại thành phố đã tập trung đầu tư máy móc, công nghệ sản xuất hiện đại, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Theo khảo sát của các cơ quan chức năng, thực phẩm và đồ uống đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hằng tháng của người tiêu dùng ở thành phố với 35%. Sản phẩm thực phẩm, đồ uống ngày càng phong phú, phương thức kinh doanh đa dạng, trong đó nổi bật là hình thức kinh doanh trực tuyến đang chiếm ưu thế, tạo môi trường kinh doanh sinh động thu hút đa dạng các loại hình DN đầu tư.
 
 
Ngành chế biến lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh còn nhiều dư địa để bứt phá. Trong ảnh: Người tiêu dùng đang mua thực phẩm tại một siêu thị.
 
Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh Lý Kim Chi cho biết: Với tốc độ tăng trưởng khá cao, ngành chế biến lương thực, thực phẩm đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế của thành phố. Hầu hết các DN có thương hiệu uy tín trong ngành công nghiệp thực phẩm, đồ uống Việt Nam tập trung chủ yếu ở thành phố và số DN kinh doanh ở lĩnh vực này tại thành phố tăng trưởng khá nhanh, bình quân tăng 13,7%/năm trong 5 năm qua. Theo khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), một số thương hiệu tiêu biểu trên địa bàn thành phố (phân theo nhóm sản phẩm) được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất, bao gồm: Vissan (thực phẩm tươi sống), mỳ Hảo Hảo - Acecook (thực phẩm ăn liền), Bibica (bánh kẹo)… Bên cạnh đó, hệ thống phân phối hiện đại có quy mô lớn nhất cả nước và ngày càng tăng về số lượng, chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người tiêu dùng trong việc mua sắm. Tính đến nay, thành phố đã có 206 siêu thị, 49 trung tâm thương mại, 239 chợ truyền thống và 2.651 cửa hàng tiện lợi, là tiền đề quan trọng thúc đẩy ngành tăng trưởng mạnh hơn trong thời gian tới.
 
Thời gian qua, thành phố đã ban hành và triển khai nhiều chương trình, chính sách có tác động mạnh, khuyến khích DN phát triển, như cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, hỗ trợ các kênh xúc tiến thương mại… giúp thúc đẩy mức đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh sản phẩm của các DN ngành lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, nhìn chung chỉ số sản xuất công nghiệp ngành lương thực, thực phẩm có dấu hiệu chững lại khi năm 2019 chỉ tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ 2018 (cùng kỳ tăng 6,92%). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều công ty chế biến lương thực, thực phẩm đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư cơ sở sản xuất, chế biến về các tỉnh lân cận để tận dụng lợi thế về giá thuê đất, góp phần dẫn đến chỉ số sản xuất của ngành giảm xuống. Cụ thể, những DN đã dịch chuyển có thể kể tới, như Công ty CP Uniben, Công ty cổ phần Thực phẩm CJ Cầu Tre, Công ty CP Sữa Việt Nam… Ngay cả Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), một DN chế biến thực phẩm lâu đời của thành phố cũng đang đầu tư hẳn một cụm công nghiệp sản xuất chế biến với số vốn lên tới 1.500 tỷ đồng để chuyển về tỉnh Long An. Ngoài ra, một số DN sản xuất trứng gia cầm đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư cơ sở sản xuất về các tỉnh lân cận Long An, Bình Dương…
 
Theo bà Lý Kim Chi, ngành chế biến thực phẩm của thành phố đang đối mặt với những thách thức rất lớn, đòi hỏi các DN cần phải cải thiện để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và ngoài nước. Cụ thể, công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm là ngành có áp lực cạnh tranh cao và các DN trong nước ngày càng chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các DN nước ngoài. Trong khi đó, năng lực của phần lớn DN trong nước còn khá hạn chế về công nghệ số, thiếu khả năng kiểm soát thông tin, chưa liên kết chặt chẽ với nhau để tạo thành chuỗi giá trị cùng phát triển… Cùng với đó, số DN lớn của ngành chế biến lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng không nhiều, còn lại hầu hết là DN, cơ sở chế biến nhỏ lẻ, nguồn vốn hạn chế cho nên việc đầu tư về công nghệ, máy móc để mở rộng quy mô còn thấp, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế. Ngoài ra, mặc dù nước ta có nguồn nguyên liệu rất dồi dào, sản lượng xuất khẩu lớn nhưng nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước không ổn định cả về chất lượng và số lượng, tình trạng nguyên liệu khi dôi thừa, khi thiếu vẫn còn thường xuyên diễn ra.
 
Hiện tại, Việt Nam đã và đang tham gia ký các hiệp định thương mại tự do (FTA, CPTPP), điều này mở ra rất nhiều lợi thế về thị trường cho DN ngành chế biến lương thực, thực phẩm phát triển. Do đó, để nhanh chóng nắm bắt được cơ hội, cũng như tăng khả năng cạnh tranh, DN trong nước cần chú trọng đầu tư mạnh thiết bị, công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, các đơn vị liên quan cần xây dựng kế hoạch quy hoạch vùng nguyên liệu thông qua những giải pháp căn cơ theo hướng tăng hiệu quả liên kết giữa các tỉnh, thành phố, giữa nông dân - DN sản xuất - nhà quản lý để tạo ra vùng nguồn nguyên liệu ổn định...
 
Bài và ảnh: KHÁNH TRÌNH
 
 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN