Rau quả Việt muốn tiến đến các thị trường xa cần đầu tư vào công nghệ chế biến
Sản lượng rau quả Việt Nam đạt 31 triệu tấn nhưng tỷ lệ chế biến mới chỉ đạt khoảng 12-17%. Hiện tại, hơn 76% rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến, việc tiêu thụ vẫn đang ở dạng tươi hoặc sơ chế bao quản là chủ yếu, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch khá cao…
Tỷ lệ rau củ quả qua chế biến còn thấp; doanh nghiệp chưa "mặn mà" với việc đầu tư nhà máy chế biến do thiếu vốn là thực trạng được các đại biểu nêu lên tại Diễn đàn trực tuyến “Đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến, bảo quản gắn với yêu cầu của thị trường tiêu thụ” do Tổ Điều hành Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản (Diễn đàn Kết nối nông sản 970 - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức ngày 7/7/2022.
QUY MÔ CHẾ BIẾN NHỎ, THỊ TRƯỜNG HẸP
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổ trưởng Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, cho biết thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chặt chẽ với nhiều Bộ, ban, ngành, địa phương nhằm xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường, giải quyết các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Cụ thể, Bộ đang chuẩn bị tổ chức Đoàn giao thương, quảng bá chuỗi cung ứng trái cây, thủy sản tại Trung Quốc; đàm phán, hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc; bưởi, chanh ta sang New Zealand; lông vũ, yến và sản phẩm từ yến, sữa và sản phẩm từ sữa sang Trung Quốc; mật ong sang EU; khảo sát vùng trồng, nhà máy chiếu xạ để thống nhất kế hoạch xuất khẩu bưởi với Hoa Kỳ.
"Hiện tại, hơn 76% rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến, việc tiêu thụ vẫn đang ở dạng tươi hoặc sơ chế bao quản là chủ yếu, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch rất cao, tỷ lệ hư hỏng trên đường vận chuyển và khi tiêu thụ rất lớn. Do bảo quản sau thu hoạch kém, thiếu thiết bị tối thiểu (điện, nước, kho lạnh...), dẫn tới tổn thất sau thu hoạch hơn 20%".
Ông Ngô Quang Tú, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản.
Đề cập nguyên nhân chế biến rau quả chiếm tỷ trọng thấp, ông Ngô Quang Tú cho rằng, nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rau quả, nhưng do thiếu vốn sản xuất, quy mô vốn rất nhỏ (hơn 80% số cơ sở dưới 2 tỷ đồng), nên chỉ đầu tư chế biến quy mô nhỏ, trang thiết bị đơn giản.
Mặt khác, sản phẩm chế biến càng sâu thì thị trường tiêu thụ càng hẹp do thói quen tiêu dùng vẫn thích ăn trái cây tươi, nên khó thu hút các doanh nghiệp đầu tư mở rộng chế biến.
Theo bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, tỉnh này hiện có hơn 82.800 ha cây ăn quả. Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã tiêu thụ được hơn 135.000 tấn quả các loại, thị trường tiêu thụ chủ yếu là trong nước với hơn 131.900 tấn; xuất khẩu hơn 1.600 tấn xoài, 20 tấn chuối.
Bà Phong chia sẻ trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản như: chính sách hỗ trợ HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh phí xây dựng lò sấy nông sản, container lạnh.
Nhờ đó, toàn tỉnh đã chế biến được 65.000 tấn nhãn, giải tỏa áp lực tiêu thụ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chuỗi liên kết, xây dựng các cơ sở chế biến trên địa bàn như Nafood, Doveco...
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, cho hay năm 2022, Gia Lai phát triển khoảng 35.000 ha diện tích trồng các loại rau ăn lá, cây ăn quả.
Đối với cây ăn quả, Gia Lai phấn đấu mở rộng diện tích lên 29.700 ha trồng trong năm nay với 4 cây trồng chủ lực chanh leo, chuối, sầu riêng, bơ. Trong đó tỉnh hiện có 8.500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP phục vụ xuất khẩu. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 22 cơ sở và 4 nhà máy chế biến rau củ quả.
“Mặc dù đã có nhiều cố gắng từ chính quyền đến người dân nhưng diện tích sản xuất những sản phẩm rau củ quả của Gia Lai đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu còn chưa cao. Chuỗi liên kết sản xuất cũng như tỷ lệ rau củ quả được ứng dụng công nghệ kỹ thuật để sơ chế, chế biến còn thấp. Sắp tới Gia Lai sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực chế biến và logistics nhằm nâng cao giá trị gia tăng nông sản địa phương”, ông Đoàn Ngọc Có chia sẻ.
NHIỀU CÔNG NGHỆ CHẾ BIẾN PHÙ HỢP CHO CÁC HỢP TÁC XÃ
Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp đã giới thiệu những công nghệ chế biến để tạo ra những sản phẩm nông sản chế biến mới, phù hợp với quy mô sản xuất nhỏ tại các hợp tác xã.
Ông Nông Ngọc Trung, Chủ tịch Công ty CP Nông lâm nghiệp Cánh Đồng Vàng, cho biết đơn vị đang có công nghệ sấy đa năng, giúp đa dạng hóa thị trường, thời gian tiêu thụ cho một số sản phẩm như mít, xoài ở dạng sấy dẻo.
Điểm đáng lưu ý nhất của Cánh Đồng Vàng, đó là công nghệ sấy được chở bằng container, và có thể lưu động qua các khu vực, thậm chí đến được nhiều vùng sâu, vùng xa. Hàng nông sản thu hoạch đến đâu có thể được chế biến tại chỗ đến đó.
“Công nghệ của chúng tôi được nhiều bạn hàng tại Đức, Hà Lan, Australia… đón nhận và đánh giá cao. Nhờ công nghệ sấy tách nước khử khuẩn tiên tiến, Công ty Cánh Đồng Vàng có thể sấy được 5-7 tấn nông sản trong một mẻ. Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ phổ biến, chuyển giao, đẩy mạnh công nghệ chế biến sâu vào miền Nam cho thanh long tại Bình Thuận, hay xoài tại Đồng Tháp”, ông Trung khẳng định.
"Có 4 nhóm sản phẩm chế biến phù hợp với quy mô nhỏ và vừa là: trái cây sấy khô, trái cây đông lạnh, trái cây đóng hộp, nước trái cây. Các công nghệ phù hợp trong chế biến rau quả mà các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ nên đầu tư như: sấy nhiệt, sấy thăng hoa, cấp đông, muối chua…" PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch.
Ông Trung thông tin thêm hiện tại Lục Ngạn, vải thiều đang vào chính vụ. Cánh Đồng Vàng đang chuyển giao chế biến vải cho một HTX ở Lục Ngạn và vựa vải lớn nhất cả nước đã nhận đơn hàng 7.000 tấn vải chế biến này từ thị trường Đài Loan.
Theo ông Đặng Trần Việt, Giám đốc Kinh doanh Công ty Sasaki Việt Nam, hiện các công nghệ sấy bằng điện lạnh đang là xu hướng mới mang lại chất lượng sản phẩm cao hơn với chi phí sản xuất thấp và thân thiện với môi trường.
Trong thời gian qua, Sasaki đã hỗ trợ hợp tác xã, nông dân, doanh nghiệp vừa nhỏ phát triển các sản phẩm phù hợp, tập trung đáp ứng nhu cầu thị trường.
Để cùng đồng hành, nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ với khách hàng, Sasaki đặt ra quy trình tiếp cận từ tiếp xúc, nắm bắt thông tin hiện trạng sản xuất, và mong muốn của khách hàng; từ đó xác định rõ mục tiêu phát triển sản phẩm bằng lượng hóa và tiêu chuẩn rõ ràng; cung cấp quy trình sấy thử nghiệm để đưa ra phương án tối ưu cho khách hàng.
Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh trái cây, đối tượng quy mô nhỏ, vừa chiếm 97%, do vậy định hướng cho phát triển chế biến công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô nhỏ, vừa là điều cần thiết.
“Nếu chúng ta quan tâm đến khối doanh nghiệp nhỏ, vừa và hợp tác xã thì chúng ta có thể nâng cao tỷ lệ chế biến và có thể đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến. Để nâng sản lượng rau quả chế biến lên gấp đôi trong những năm tới, cần đầu tư và công nghệ phù hợp”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Nguồn: https://vneconomy.vn/rau-qua-viet-muon-tien-den-cac-thi-truong-xa-can-dau-tu-vao-cong-nghe-che-bien.htm