TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC QUẢN LÝ, KIỂM SOÁT DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT VÀ BẢO ĐẢM ATTP CÓ NGUỒN GỐC ĐỘNG VẬT GIAI ĐOẠN 2023 – 2030
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/7 phê duyệt “Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023 - 2030”.
Theo Quyết định, mục tiêu chung là xây dựng được các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) đối với gia súc, gia cầm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm (ATTP) trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật; động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu.
Mục tiêu cụ thể về tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người, giai đoạn 2023 – 2030 là đến năm 2025, có 06 vùng của tỉnh Bình Phước và 01 vùng của tỉnh Tây Ninh, 12 vùng khác của các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh đạt ATDB theo quy định của Việt Nam; 04 vùng của tỉnh Bình Phước và 01 vùng của tỉnh Tây Ninh đạt ATDB theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH)
Đến năm 2030, các vùng đã đạt ATDB tiếp tục được duy trì; các huyện còn lại của các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác thuộc vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên được xây dựng vùng ATDB theo quy định của Việt Nam; có 08 vùng khác của tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai và Tây Ninh được xây dựng theo tiêu chuẩn của WOAH.
Quyết định nêu rõ, phấn đấu xuất khẩu được thịt gà chế biến sang 12 thị trường, gồm: Nhật Bản, Hong Kong và 5 nước Liên minh kinh tế Á - Âu và các thị trường Hàn Quốc, Singapore, Anh, EU và Trung Quốc.
Xuất khẩu được trứng và sản phẩm trứng gia cầm sang các thị trường Hong Kong, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Australia, Hoa Kỳ, Hàn Quốc.
Xuất khẩu được thịt lợn sang Malaysia, Trung Quốc. Xuất khẩu được sữa và sản phẩm sữa sang Malaysia và Indonesia. Xuất khẩu được mật ong và sản phẩm ong sang Nhật Bản, Thái Lan và các thị trường khác.
Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 cũng đặt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được sản xuất chủ yếu trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, đối xử nhân đạo với vật nuôi, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu.
Chiến lược định hướng đến năm 2030, tổng sản lượng thịt xẻ các loại đạt từ 6 - 6,5 triệu tấn, cụ thể thịt lợn từ 59 - 61%, thịt gia cầm từ 29 - 31%, thịt gia súc ăn cỏ từ 10 - 11%. Trong đó, xuất khẩu từ 15 - 20% sản lượng thịt lợn, từ 20 - 25% thịt và trứng gia cầm; sản lượng trứng đạt khoảng 23 tỷ quả và 2,6 triệu tấn sữa.
Đến năm 2030, tổng đàn lợn có mặt thường xuyên ở quy mô từ 29 - 30 triệu con, trong đó đàn lợn nái từ 2,5 - 2,8 triệu con, đàn lợn được nuôi trang trại, công nghiệp chiếm trên 70%; tổng đàn gà có mặt thường xuyên từ 500 - 550 triệu con, trong đó khoảng 60% được nuôi theo phương thức công nghiệp.
Tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 60% và 40% vào năm 2025, khoảng 70% và 50% vào năm 2030; tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt từ 25 - 30% vào năm 2025, từ 40 - 50% vào năm 2030…
Đề ra các giải pháp trọng điểm triển khai:
Về tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người, giai đoạn 2023 – 2030, cần xác định và thiết lập vùng an toàn dịch bệnh phù hợp với quy hoạch của tỉnh và tổ chức thực hiện theo quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch và theo các quy định của WOAH.
Chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm, xây dựng hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Tìm kiếm các giải pháp, máy móc & thiết bị chế biến, đóng gói, truy xuất nguồn gốc thực phẩm an toàn thông qua các triển lãm quốc tế, đơn cử như “ Triển lãm Quốc tế Sản phẩm, Thiết bị & Công nghệ Thực phẩm & Đồ uống - Vietnam Footech” diễn ra từ 13 - 16/12/2023 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn - SECC, 799 Nguyễn Văn Linh, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Về tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật, giai đoạn 2023 – 2030, cần đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho các cơ quan kiểm dịch thú y cửa khẩu.
Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đầu tư nâng cấp các trạm kiểm dịch động vật tại đầu mối giao thông đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Giám sát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm động vật tiêu dùng trong nước.
Về nâng cao năng lực quản lý, nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, khảo nghiệm thuốc, vacxin thú y đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả, giai đoạn 2023 – 2030, quy định đề nghị xây dựng 2 phòng thử nghiệm trọng điểm phục vụ kiểm tra, đánh giá chất lượng thuốc thú y.
Đầu tư, nâng cấp phòng thử nghiệm dược phẩm, phòng thử nghiệm vaccine thú y và khu nuôi động vật phục vụ nghiên cứu, kiểm nghiệm, khảo nghiệm của Cục Thú y. Đồng thời thiết lập hệ thống phòng thử nghiệm về kháng thuốc, trong đó có 1 phòng thử nghiệm trọng điểm quốc gia.
Nguồn: Tổng hợp
Đăng ký gian hàng tham gia triển lãm tại: https://foodtech-vn.com/nha-trung-bay-dang-ky-gian-hang
Đăng ký tham quan triển lãm tại: https://foodtech-vn.com/khach-tham-quan-dang-ky
__
VIETNAM FOODTECH - Triển Lãm Quốc Tế về Sản Phẩm, Máy Móc, Thiết Bị và Công Nghệ Thực Phẩm & Đồ Uống
Thời gian: 13-16/12/2023
Địa điểm: Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn - SECC, 799 Nguyễn Văn Linh, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
Điện thoại: (+84) 28 3823 9052
Email: foodtech@foodtech-vn.com
Website: www.foodtech-vn.com