Giao lưu trực tuyến "Chung tay hành động vì an toàn thực phẩm"
Hưởng ứng Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm (15/4-15/5/2021), sáng 20/4, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Giao lưu trực tuyến “Chung tay hành động vì an toàn thực phẩm”.
Cuộc Giao lưu trực tuyến nhằm tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP); nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm. Đồng thời, kêu gọi sự chung tay vào cuộc của chính quyền địa phương; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn…
Các vị khách mời tham dự Giao lưu và trực tiếp giải đáp các câu hỏi do bạn đọc gửi gồm: Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong; Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Tiệp; Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) Nguyễn Việt Tấn.
Toàn cảnh Giao lưu trực tuyến “Chung tay hành động vì an toàn thực phẩm”. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Cung cấp thông tin tại buổi giao lưu, các vị khách mời khẳng định, ATTP có tầm quan trọng sống còn đối với sức khỏe, hạnh phúc của từng người dân, giống nòi dân tộc và sự phát triển đất nước ta; trở thành thách thức an ninh phi truyền thống.
Chính vì vậy, trong những năm qua, vấn đề ATTP luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo, ban hành Luật, Chỉ thị và các văn bản pháp quy như nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan đến vấn đề ATTP.
Đặc biệt, Quốc hội khóa XII đã ban hành Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2011.
Ngày 21/10/2011, Ban Bí thư khóa XI đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới (Chỉ thị 08).
Ngày 19/1/2017, Ban Bí thư ra Kết luận số 11-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới, trong đó nêu rõ: “Bảo đảm ATTP là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, vừa cấp bách, vừa lâu dài của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, trước hết là của người đứng đầu; là chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm ở các cấp. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở phải kiên trì, kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Toàn hệ thống chính trị và toàn dân, nhất là đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp và từng hộ gia đình, từng người dân cần chủ động, sáng tạo, tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ này”.
Đến nay, sau hơn 9 năm thực hiện Chỉ thị 08, nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng như nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về ATTP đã chuyển biến tích cực. Công tác quản lý nhà nước và bảo đảm ATTP có tiến bộ, đạt được những thành tích quan trọng trên các lĩnh vực.
Công tác bảo đảm ATTP đã bước sang giai đoạn mới khi những năm vừa qua, nước ta đã phát triển mạnh mẽ các mô hình, phương thức sản xuất, nuôi trồng nông sản, thực phẩm sạch, nông sản hữu cơ, an toàn theo chuỗi…
Tuy nhiên, các vị khách mời cũng cho rằng, công tác quản lý nhà nước về ATTP vẫn còn có những hạn chế, bất cập cả về thể chế và thực thi pháp luật. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả người dân, doanh nghiệp và các cấp chính quyền về ATTP còn có phần hạn chế. Trong đó, phải kể đến nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vì chạy theo lợi nhuận không tính đến quyền lợi, sức khoẻ của người tiêu dùng.
Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhu cầu, phương thức mua sắm của người dân thay đổi, việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe “online” vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng; việc ngăn ngừa thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả còn hạn chế, khó quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội.
Điều đáng báo động là mặc dù dư luận xã hội và báo chí đã lên tiếng cảnh báo, các cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng vi phạm ATTP vẫn gia tăng, gây nhức nhối trong xã hội. Trong khi đó, phần lớn vụ việc vi phạm ATTP chỉ bị xử lý vi phạm hành chính, nên chưa đủ sức răn đe. Thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân đưa tin sai sự thật, không chính xác về ATTP, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và niềm tin của nhân dân về thực phẩm an toàn ở nước ta…
Tại buổi giao lưu, trước những nội dung mà bạn đọc quan tâm, các vị khách mời đã trả lời, làm rõ những vấn đề lớn về: Vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP; công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; giám sát, hậu kiểm tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, các địa phương có đường biên giới, cửa khẩu nhằm giảm thiểu ngộ độc do thực phẩm không an toàn. Bên cạnh đó là các vấn đề về hoàn thiện hệ thống pháp luật để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP; công tác nghiên cứu bổ sung các chế tài cần thiết, bảo đảm xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm và đưa tin sai sự thật, không chính xác về an toàn thực phẩm. Các vị khách mời cũng trao đổi về các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, của doanh nghiệp, của nhân dân về ATTP; các chủ trương, chính sách, pháp luật và những kiến thức cần thiết liên quan đến ATTP…
Nguồn: http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/Giao-luu-truc-tuyen-Chung-tay-hanh-dong-vi-an-toan-thuc-pham/428856.vgp